Tỉnh Hải Dương hiện có 24 khu công nghiệp và 55 cụm công nghiệp đã được quy hoạch trong đó có 11 khu và 32 cụm công nghiệp đang hoạt động. Toàn tỉnh hiện có hơn 17.000 doanh nghiệp với gần 400.000 lao động, dự báo trong thời gian tới khi số khu, cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động lực lượng công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao. Với số lượng khu, cụm công nghiệp và lao động lớn đã đặt ra yêu cầu cần duy trì, làm tốt công tác đảm bảo an ninh công nhân để hạn chế phát sinh các vụ việc đình công, lãn công, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự (ANTT), ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thời gian qua tình hình an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo, tính từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 07 vụ dừng việc tập thể với tổng số khoảng 2.600 lượt người tham gia, không xảy ra vụ việc nào phức tạp, kéo dài. Có được kết quả trên là do lực lượng An ninh kinh tế Công an tỉnh đã chủ động làm tốt các mặt công tác, trong đó có công tác nắm tình hình, phối hợp, tham mưu chính quyền địa phương xử lý, giải quyết kịp thời, không để các vụ việc đình công phát sinh thành điểm nóng gây mất ANTT.

Công ty Giầy Cẩm Bình (địa chỉ tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng) hoạt động ổn định trở lại sau vụ dừng việc tập thể
Lực lượng An ninh kinh tế đã phối hợp ban Quản lý các Khu, cụm công nghiệp tỉnh, chủ đầu tư, Công an các địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho công nhân, người lao động các quy định pháp luật về lao động, về an ninh mạng. Qua đó đã chủ động nắm bắt, giải đáp các vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của đông đảo công nhân về chế độ tiền lương, điều kiện làm việc,… để họ an tâm sản xuất.

Buổi tuyên truyền pháp luật cho doanh nghiệp do lực lượng Công an phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong nước phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm quy mô hoạt động, cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nợ lương, nợ bảo hiểm người lao động... làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người lao động và việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động. Bên cạnh đó các phần tử xấu, phản động thường xuyên lợi dụng các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với người lao động để kích động họ đình công, lãn công, biểu tình…gây mất ANTT; các loại tội phạm hình sự, ma túy, “tín dụng đen” hoạt động ngày càng tinh vi ... đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đảm bảo an ninh công nhân trên địa bàn tỉnh. Lực lượng An ninh kinh tế sẽ tăng cường phối hợp Công an các địa phương nắm chắc tình hình; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền các doanh nghiệp tạo điều kiện, thực hiện đúng các quy định về chế độ, chính sách cho người lao động; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh, sở ngành chức năng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn để sớm ổn định tình hình; cùng với đó triển khai tốt các phương án, kế hoạch đảm bảo ANTT, tuần tra bảo vệ tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI không để các đối tượng xấu lợi dụng kích động công nhân gây rối ANTT hoặc thực hiện các hành vi phạm tội, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, người lao động yên tâm lao động, sản xuất.