Những ngày này, trên khắp các cánh đồng thuộc vùng sản xuất nếp cái hoa vàng của thị xã Kinh Môn tập nập hoạt động thu hoạch lúa. Máy gặt lúa, xe ô tô vận chuyển, thương lái đến thu mua tận ruộng, tiếng cười nói của người nông dân được mùa, được giá hoà cùng mùi hương nếp tạo nên bức tranh sống động của ngày mùa.
Được mùa, được giá
Vụ mùa năm nay, thị xã Kinh Môn thực hiện sản xuất hơn 700 ha lúa nếp cái hoa vàng, tập trung ở các xã/phường: Duy Tân, Tân Dân, Hoành Sơn, Hiến Thành, Phú Thứ. Năm nay, người dân vùng nếp cái hoa vàng của thị xã được tiếp cận nguồn giống lúa chất lượng (Viện cây lương thực và Cây thực phẩm đã phục tráng), được tập huấn quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn kết hợp thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa cao hơn năm trước. Cụ thể: năng suất ước đạt 52 tạ/ha, cao hơn 2 tạ/ha so với vụ mùa năm trước. Giá thóc thu mua tại ruộng 1.250.000 đồng/tạ. Trừ chi phí đầu tư, người dân thu lãi 1.800.000 đồng/sào. Ngoài ra, nhiều hộ dân tận dụng lượng rơm nếp phơi khô để bán với giá 5.000 đồng/kg, góp phần tăng thêm thu nhập từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/sào. Rơm nếp hoa vàng có đặc điểm: dài, chắc, bền, có mùi thơm đặc trưng, thường dùng để làm chổi rơm, bó hành, tỏi và các loại rau nên rất được người dân vùng chuyên canh hành, tỏi ưa chuộng. Sau thu hoạch, người dân cho máy cày ngả, tiếp tục trồng khoai tây, đậu đỗ và rau xanh ngắn ngày, góp phần cải tạo đất, tăng thu nhập.
Điều đáng mừng là nhiều năm qua, người dân vùng nếp cái hoa vàng của thị xã không phải lo đầu ra. Cứ đến mùa vụ, không hẹn lại lên, thương lái từ các nơi đổ về thu mua thóc tươi ngay tại ruộng. Anh Lê Văn Sang-một thương lái quê Bắc Ninh cho biết: “năm nào cứ đến thời điểm này, tôi cùng một số anh em đến tận nơi thu mua cho bà con. Nếp cái hoa vàng Kinh Môn có đặc điểm mềm, dẻo, rất thơm. Dùng để nấu xôi, chè, gói bánh chưng hay ủ rượu đều ngon hơn các loại nếp khác nên những người sành ăn đều rất thích loại nếp này”.
Phát triển thương hiệu
Gạo nếp cái hoa vàng của thị xã được nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh cá thể lựa chọn phát triển thương hiệu, từ việc áp dụng quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, tuyển chọn, đóng gói thành phẩm đến chế biến sâu đã mang lại giá trị khác biệt cho nông sản truyền thống này.
Bà Nguyễn Thị Quý- Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Duy Tân cho biết: Hợp tác xã hiện có 25 thành viên, thực hiện bao tiêu sản phẩm cho 14 ha với sản lượng 70 tấn. Để giúp người thành viên và người dân sản xuất lúa nếp hoa vàng chất lượng, Hợp tác xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã, các doanh nghiệp tập huấn kỹ thuật sản xuất, cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá ưu đãi, hỗ trợ giảm thiểu tối đa chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho thành viên.
Chị Nguyễn Thị Hương- Chủ cơ sở sản xuất Mạc Đình Trung (Duy Tân) chia sẻ: Cơ sở có đầy đủ máy xấy, máy xay xát, sàng tự động, máy đóng gói. Thóc tươi sau khi được thu mua về sẽ xấy khô, bao quản chế biến dần trong năm. Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của cơ sở có tem, mã vạch truy suất nguồn gốc, được đóng gói hút chân không. Năm nay, tôi sẽ đăng ký xây dựng sản phẩm Ocop cho gạo nếp cái hoa vàng. Bình quân mỗi năm, cơ sở này kết nối bán ra thị trường hơn 100 tấn gạo thành phẩm.
Sản phẩm Rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm của Công ty TNHH Một thành viên Phương Khiêm (Hiệp Sơn) được sản xuất bằng máy chưng cất rượu và tinh dầu hiện đại, giữ nguyên được hương vị của nếp cái hoa vàng đặc trưng của Kinh Môn. Hiện tại, Công ty đầu tư quy mô dây truyền sản xuất 55 nghìn lít/năm, sản phẩm rượu đóng chai thủy tinh khối lượng 700ml/chai. Rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm đạt Ocop 4 sao và là một trong số 12 sản phẩm đạt danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam của thị xã Kinh Môn.
Ông Nguyễn Xuân Hạ- Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Vùng nếp cái hoa vàng Kinh Môn được duy trì sản xuất ổn định về diện tích. Hướng tới ngành nông nghiệp đa giá trị, đối với nếp cái hoa vàng nói riêng và các sản phẩm nông sản đặc hữu của thị xã nói chung, thị xã thực hiện hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân từ giống, quy trình sản xuất, vật tư nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện chế biến sâu, chủ động tiếp cận thị trường, phương thức bán hàng mới, đồng hành với người nông dân phát triển thương hiệu bền vững./.
Thu Hương