Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, trong 07 tháng đầu năm, Ban An toàn giao thông tỉnh và các cơ quan thành viên đã tham mưu triển khai thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương về công tác bảo đảm TTATGT; các Sở, ngành, cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh đã tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiểu hình thức: tuyên truyền trực quan, trực tiếp và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài, báo, truyền hình, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội.

Toàn cảnh các đại biểu tham dự hội nghị
Qua theo dõi, tổng hợp của Sở Giao thông vận tải, từ năm 2022 đến nay, tổng số vụ vi phạm về đất của đường bộ, hành lang an toàn giao thông được phát hiện là 914 vụ, một số địa phương có tình hình vi phạm về đất của đường bộ và hành lang an toàn giao thông nhiều như các huyện : Gia Lộc, Tứ Kỳ, Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang...
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 59 bến thuỷ nội địa có hoạt động vận tải chở khách với tổng số 65 phương tiện. Công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa được lực lượng chức năng và các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra và chấn chỉnh các vi phạm kịp thời, nhất là trong dịp trước Tết Nguyên đán và trước mùa mưa bão hàng năm. Trong mùa mưa bão năm 2023, các địa phương đã tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm và đình chỉ các bến, phương tiện không bảo đảm các điều kiện về an toàn giao thông như: Huyện Thanh Hà đã có thông báo đình chỉ 06 bến, huyện Ninh Giang đình chỉ 03 bến khách ngang sông không đủ điều kiện hoạt động.

Đồng chí Vũ Văn Tùng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải báo cáo tại hội nghị
Đối với công tác bảo đảm TTATGT đường sắt, toàn tỉnh có khoảng 73Km đường sắt, trong đó tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng là tuyến dài nhất với 45.3Km và cũng là tuyến có tình hình trật tự, an toàn giao thông đường sắt phức tạp nhất (trên tuyến này có 35 đường ngang và 166 lối đi tự mở, hàng ngày có 08 chuyến tàu khách hoạt động, các chuyến tàu hàng hoạt động không cố định). Đường gom đường sắt hiện có khoảng 25.2Km. Tình hình TTATGT đường sắt cũng phức tạp nhất qua địa bàn huyện Kim Thành do đoạn tuyến này chạy song song và sát QL.5, dân cư sinh sống ngay cạnh hành lang đường sắt, lối đi tự mở dày đặc. Hiện nay, tỉnh đã có dự án xây dựng khoảng 4.2Km đường gom qua địa bàn huyện Kim Thành, khi dự án hoàn thành sẽ xoá bỏ được 84 lối đi tự mở sẽ góp phần giải quyết cơ bản được tình hình mất an toàn giao thông đường sắt qua đây.
Việc quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt, kiểm soát lối đi tự mở được chính quyền địa phương và ngành đường sắt phối hợp chặt chẽ. Cơ bản không để phát sinh vi phạm và nếu có phát sinh cũng được phát hiện và xử lý kịp thời.
Về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, trong 7 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 19.276 trường vi phạm pháp luật TTATGT, phạt tiền trên 46,6 tỷ đồng, tước 4.146 giấy phép lái xe, tạm giữ 5.201 phương tiện. Trong đó, xử lý 2.878 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 702 trường hợp vi phạm tải trọng xe, 3.673 trường hợp chạy quá tốc độ quy định, 6.099 trường hợp vi phạm đội mũ bảo hiểm…
Trong 7 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 94 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 68 người, làm bị thương 51 người; so với cùng kỳ năm 2022, số vụ TNGT tăng 01 vụ (1.1%), giảm 06 người chết (-8.1%) và tăng 11 người bị thương (27.5%). Có 04 địa phương giảm số người chết do TNGT gồm Ninh Giang, Thanh Miện, Nam Sách và thành phố Hải Dương, trong đó huyện Thanh Miện là địa phương duy nhất giảm cả ba tiêu chí về TNGT; 05 địa phương có số người chết tăng do tai nạn giao thông gồm: Bình Giang, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Gia Lộc và Kim Thành.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là dịp nghỉ Lễ, Tết và các khu vực giao thông phức tạp...

Đồng chí Phạm Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Kim Thành phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 07 tháng vừa qua, đặc biệt nhiều địa phương giảm các tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số vụ chết và số người chết. Đồng thời nhấn mạnh công tác tuyên truyền về TTATGT: coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, bền bỉ và có tính chất quan trọng nhất trong việc kiềm chế, giảm TNGT một cách bền vững; đề nghị các Sở, ngành, địa phương cần có chương trình, kế hoạch cụ thể tổ chức tuyên truyền sâu, rộng nhằm nâng cao ý thức, văn hoá cho người tham gia giao thông, Các ngành, các địa phương cần quyết liệt triển khai các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông những tháng cuối năm.

Đồng chí Phạm chí Hiếu - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị
Trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các địa phương quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo lực lượng chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, xử lý các vi phạm, hạn chế để hồ sơ tồn đọng, vi phạm không được xử lý; đồng thời khắc phục kịp thời các bất cập liên quan đến hạ tầng giao thông thuộc trách nhiệm của địa phương quản lý, kiên quyết xoá bỏ 100% các vi phạm về hành lang an toàn giao thông.

Đồng chí Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với ngành giao thông vận tải và các địa phương tổ chức tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải khách và vận tải hàng hoá. Bên cạnh đó, chỉ đạo Công an các địa phương (cấp huyện, cấp xã) có biện pháp kiểm soát và phối hợp với ngành giao thông xử lý nghiêm tình trạng "xe dù, bến cóc", "xe trá hình tuyến cố định", "xe ghép, xe tiện chuyến" và xe tự chế trên địa bàn. Huyện Cẩm Giàng cần xây dựng ngay kế hoạch giải toả khu gầm cầu Cẩm Phúc; Thành phố Hải Dương rà soát lại tất cả những biển báo giao thông, sơn kẻ đường, thiết bị cảnh báo, các bùng binh... để có phương án khắc phục, xử lý kịp thời, nhất là các khu vực nội đô vẫn còn để xảy ra tình trạng đỗ xe không đúng quy định gây ùn tắc giao thông....
Trước mắt, trong dịp Quốc khánh 02/9 và dịp khai giảng năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn thanh niên tập trung công tác tuyên truyền, ký cam kết đối với phụ huynh, học sinh, thanh thiếu niên ngay từ đầu năm học mới; yêu cầu các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý các phương tiện đưa đón học sinh theo hình thức hợp đồng, kiên quyết không để tình trạng đưa đón học sinh bằng phương tiện tự chế, phương tiện không bảo đảm các điều kiện an toàn, xe ô tô hết niên hạn sử dụng…